Súng, Vi Trùng và Thép - Lịch sử xã hội loài người
1. Giới thiệu
Sách “Guns, Germs and Steels” - Súng, Vi trùng và thép, là một tác phẩm đoạt giải thưởng văn chương cao quý Putlizer của tác giả Jared Diamond. Trong tác phẩm về lịch sử, xã hội này, tác giả cố gắng trả lời câu hỏi: Đâu là nguyên nhân dẫn đến những khác biệt sâu sắc giữa những xã hội khác nhau, chủng tộc khác nhau hay quốc gia khác nhau. Tại sao người châu Âu lại đi chinh phạt thế giới, đô hộ và khai thác châu Phi, châu Á? Tại sao lại là người châu Âu “tìm ra châu Mỹ”, chiếm đất đai và tiêu diệt các nên văn minh châu Mỹ như Aztec hay Inca mà không phải ngược lại?
2. Bố cục
Như tác giả nhận định, nghiên cứu lịch sử giống như bóc một củ hành. Trước mỗi sự vật hiện tượng, người ta cố gắng tìm nguyên nhân của nó, rồi lại tìm nguyên nhân của nguyên nhân, rồi cứ như vậy, truy đến tận cùng cuả sự việc. Với tinh thần đó, ông tập trung truy tìm nguyên nhân sâu xa để lí giải “Tại sao phương Tây lại vượt trội?”
Đầu tiên, Diamond cung cấp cho độc giả về lịch sử ngắn gọn của việc hình thành loài người và quá trình loài người di cư để có mặt ở tất cả cácxahâu lục (trừ châu Nam Cực). Đó là khoảng 13000 năm về trước. Như vậy tính đến 13000 năm về trước, các dân tộc trên thế giới có chung một xuất phát điểm, không ai hơn ai. Vậy thì điều gì đã xảy ra trong 13000 năm tiếp theo để đến thế kỷ 17 - 19, thực dân các nước châu Âu đã xâm chiếm khắp thế giới chứ không phải người Trung Hoa hay Inca?
Thực dân châu Âu xâm lược và chiếm làm thuộc địa các quốc gia kém phát triển hơn ở châu Á vì họ có đi trước về công nghệ, với biểu trưng là sắt thép và súng đạn. Rồi vì đâu họ đi trước các dân tộc khác về công nghệ? Một trong các lí do khiến các nước phát triển hơn các nước khác là nhờ có nền nông nghiệp. Trong các xã hội nông nghiệp, con người có thể tạo ra lượng thực phẩm đầy đủ, thậm chí dư thừa. Do đó, nhiều người trong số họ được giải phóng khỏi hoạt động sản xuất để có thể sáng tạo ra những cái mới. Thật vậy, các quốc gia sơ khai có nền nông nghiệp phát triển hơn dần dần đi trước các xã hội săn bắn hái lượm để đạt được nhiều thành tựu về công nghệ. Điển hình là những quốc gia trên lục địa Á Âu, như người Pháp, Anh, hay Trung Hoa so với những dân tộc sống ở Nam Mỹ hay châu Úc.
Thế vì sao các nước châu Á Âu lại có nông nghiệp đi trước lục địa châu Mỹ và châu Úc? Đó là nhờ điểu kiện địa lý trải dài theo chiều Đông-Tây, làm cho các kiểu khí hậu không có nhiều khác biệt. Điều này giúp cho một giống cây trồng hay một con vật nuôi có thể nhanh chóng được phổ biến rộng khắp, từ đó làm phong phú các sản phẩm. Không những thế, sự lai tạp còn nâng cao năng suất. Nói tóm lại, ông muốn nhấn mạnh rằng, nguồn gốc sâu xa của sự khác biệt trong tốc độ phát triển của các nền văn minh là do điều kiện địa lý. Một dân tộc từ sơ khai đã nằm ở vị trí thuận lợi sẽ trở thành một dân tộc hùng mạnh trong tương lai.
3. Nhận xét
Vai trò của vi khuẩn trong sự hình thành xã hội là một luận điểm thú vị của sách. Việc con người bị phơi nhiễm với nhiều loại vi khuẩn giúp cho họ, qua nhiều thế hệ, phát triển một hệ miễn dịch mạnh mẽ, và từ đó chiến thắng trong cuộc chiến giành giật sự sống với dịch bệnh.
Tuy vậy, sách chỉ tập trung vào phân tích điều kiện thiên nhiên khách quan mà không nhắc đến những trường hợp cá biệt có tính bước ngoặt, ví dụ như những nhà khoa học, nhà lãnh đạo, nhà thám hiểm kiệt xuất có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. James Watts với phát minh máy hơi nước đặt nền móng cho cả cách mạng công nghiệp, đưa châu Âu vượt trên cả thế giới. Marco Polo, với hành trình trên con đường tơ lụa nối liền hai châu lục Âu Á bằng đường bộ hay Columbus khám phá ra châu Mỹ, Magellan đi biển vòng quanh thế giới. Mỗi một cá nhân xuất sắc đó là những cú hích lớn cho lịch sử giúp cả xã hội vượt lên, mà những người vừa được nêu tên chỉ là một ít trong vô số những ngôi sao của nhân loại.
Nói tóm lại, Jared Diamond mang đến cho người đọc một công trình nghiên cứu công phu, với nhiều lập luận sắc sảo cùng với dẫn chứng chi tiết, mở ra một cách suy nghĩ mới khách quan hơn đối với sự phát triển của các dân tộc.