Tâm lý dân tộc An Nam - Paul Giran

Giới thiệu

Tâm lý dân tộc An Nam là sách dịch từ tiếng Pháp của Paul Giran, được viết đầu thế kỷ 20. Vốn là một viên chức trong chính quyền thực dân, tác giả tổng hợp những nhận định về người Việt dưới lăng kính của kẻ thống trị, với mục đích giúp cho sự cai trị được hiệu quả. Sau khi đọc xong, tôi muốn chia sẻ với bạn nội dung cũng như một vài suy nghĩ về sách.

Nội dung và nhận xét

Một số nhận xét tiêu cực của tác giả đọc lên cũng hợp với luồng dư luận hiện nay, đi kèm một số ít dẫn chứng. Ví dụ như nền giáo dục phong kiến khuôn mẫu bóp chết sáng tạo và làm bâng cùng tư duy, hoặc là những tính xấu như ích kỷ và thiển cận. Tác giả cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến người Việt thụ động và uể oải là vì thiên nhiên khắc nghiệt, khí hậu đã nóng còn ẩm ướt đã rút hết nhiệt huyết con người và làm ta trở nên trì trệ và mệt mỏi.

Tuy nhiên, phải nói đây là một quyển sách rất khó tiêu hoá. Xuyên suốt quyển sách là những nhận định, hoặc là kiểu vơ đũa cả nắm, có thể áp dụng cho mọi dân tộc ko riêng gì người Việt, hoặc là phán xét đặc trưng của người Việt theo chuẩn của phương Tây. Đặc biệt là có một số nhận xét cực đoan mà ở thời nay chắc chắn là phân biệt chủng tộc, kiểu như, dựa vào hình dáng hộp sọ mà đánh giá trí tuệ người An Nam, hoặc qui cho nguyên nhân của sự chậm phát triển là khiếm khuyết cố hữu của con người.

Một chi tiết thú vị là tác giả chê bai nền ẩm thực Việt, nghèo nàn và hoang dã, ví dụ như người Việt ăn trứng thối hay con đuông (sâu) dừa, hoặc chê bai mùi vì “khủng khiếp” của nước mắm. Ông cho rằng người Việt vốn chỉ thoả mãn cơn đói, không đếm xỉa gì đến tinh tế! Thật buồn cười là người viết đem chuẩn mực ẩm thực của mình để đánh giá những đặc trưng văn hoá của một dân tộc khác, lại đánh vào ẩm thực Việt, vốn là một nền ẩm thực rất đa dạng, kết hợp bởi nhiều luồng văn hoá khác nhau cộng với những nguyên liệu và cách thức bản xứ.

Kết luận

Sau một thời gian quan sát xung quanh mình nhận thấy dân tộc Việt có những tính cách và truyền thống đặc trưng rất đáng tự hào chứ không phải như nhận xét kiểu kia.

Dù sao quyển này cũng được viết cách đây hơn 100 năm nên phương pháp tiếp cận còn thô sơ và định tính, ít số liệu trích dẫn. Các bạn có thể tham khảo rồi thử xem có bao nhiêu phần còn người mình trong đó.